☑️Giới thiệu
Đây là hệ thống dùng để đăng ký, tiếp nhận, xử lý và quản lý dữ liệu các đối tượng BTXH toàn quốc.
PHẦN 1: GIỚI THIỆU TỔNG QUAN HỆ THỐNG
1. Khái niệm
“Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và Hệ thống thông tin quản lý bảo trợ xã hội” là hệ thống phục vụ mục đích quản lý nhà nước lĩnh vực Bảo trợ xã hội tập trung và thống nhất trên toàn quốc: có sự tham gia sử dụng từ người dân (đối tượng hưởng lợi) đến cấp xã, Phòng LĐTBXH, Sở LĐTBXH trên toàn quốc và Bộ LĐTBXH.
Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến có địa chỉ: https://dvcbtxh.molisa.gov.vn.
Hệ thống cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội là kho dữ liệu và quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội, có địa chỉ: https://misposasoft.molisa.gov.vn.
2. Mục đích
Để phát huy hiệu quả triển khai công tác quản lý đối tượng bảo trợ xã hội, thì việc tiếp nhận đăng ký từ người dân, giải quyết phê duyệt chính sách, quản lý đối tượng cho đến thống kê, tổng hợp được thông tin đối tượng một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời là vô cùng cấp thiết trong công tác quản lý BTXH.
Để thực hiện được yêu cầu này, cần có sự tham gia đồng bộ của tất cả các cán bộ từ cấp trung ương đến địa phương trong công tác ứng dụng và triển khai “Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và Hệ thống thông tin quản lý bảo trợ xã hội”.
Việc ứng dụng phần mềm này trong công tác quản lý tại địa phương là YÊU CẦU CẦN THIẾT, các chức năng chính yếu và ưu điểm mà hệ thống mang lại bao gồm:
- Được sử dụng trực tuyến trên mạng Internet, đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp (Xã, Phòng LĐTBXH, Sở và Bộ LĐTBXH) để nhập, xử lý và quản lý dữ liệu. Đáp ứng đồng bộ nhu cầu thống kê, báo cáo toàn ngành từ trung ương đến địa phương..
- Đã được tích hợp 11 dịch vụ công lĩnh vực BTXH với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
- Mã định danh và thông tin định danh đối tượng trên hệ thống được kết nối và xác thực thông qua CSDL Dân cư quốc gia.
- Kết nối, cung cấp thông tin và đăng ký về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến;
- Hỗ trợ thực hiện đăng ký, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến
- Cho phép quản lý, cập nhật sự biến động về thông tin của đối tượng hướng TGXH và thông tin về đối tượng đó;
- Quản lý việc thực hiện các chính sách TGXH của các địa phương;
- Một số chức năng khác như: quản trị hệ thống, thiết lập chính sách, quản lý danh mục hành chính,…
3. Phạm vi
Hệ thống được triển khai và ứng dụng trên phạm vi toàn quốc. Với sự tham gia sử dụng từ người dân (đối tượng hưởng lợi) đến cấp xã, Phòng LĐTBXH, Sở LĐTBXH trên toàn quốc và Bộ LĐTBXH
4. Đối tượng áp dụng
- Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐTBXH
- Các Sở LĐTBXH Tỉnh/Thành phố; các phòng LĐTBXH cấp Quận/Huyện; UBND cấp Xã, Phường, Thị trấn (đơn vị cấp xã) có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
- Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan có thẩm quyền.
- Các cá nhân tham gia giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý trên Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến.
5. Nguyên tắc vận hành
Đây là hệ thống triển khai tập trung và đặt tại trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ LĐTBXH.
Để sử dụng được phần mềm này, mỗi cán bộ/công chức sẽ được cấp một tài khoản (Account) sử dụng tương ứng với vai trò tham gia. Tài khoản của đơn vị sẽ do đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp cung cấp. Máy tính phải được kết nối Internet.
Bảo đảm các nguyên tắc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
Việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin, an toàn thông tin, giao dịch điện tử, bảo vệ bí mật Nhà nước và các quy định khác có liên quan của pháp luật đảm bảo cho việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được thông suốt, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
Nội dung thông tin được cung cấp trên Hệ thống phải chính xác, rõ ràng, cập nhật liên tục theo quy định; các trường thông tin được thiết kế theo mẫu thống nhất, đơn giản, thuận tiện, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khi sử dụng.
Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên Hệ thống được thực hiện hợp pháp, hợp lý, khoa học; bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết công việc.
6. Tổ chức thực hiện
6.1. Cục Bảo trợ xã hội:
- Là đơn vị xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu;
- Hướng dẫn, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát các cơ quan, địa phương, cơ sở trợ giúp xã hội trong việc cập nhật, khai thác, sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo;
- Giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện hoàn thiện, cập nhật, sửa chữa, nâng cấp kịp thời Hệ thống phần mềm theo sự thay đổi của các văn bản, chính sách hoặc do lỗi vận hành, chưa phù hợp theo yêu cầu quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng dữ liệu.
6.2. Trung tâm Thông tin – Bộ LĐTBXH:
- Quản trị Hệ thống, bảo đảm hạ tầng công nghệ, tổ chức triển khai các giải pháp an ninh, an toàn và bảo mật thông tin cho Hệ thống, cơ sở dữ liệu. Rà soát, đề xuất kế hoạch và phương án bảo đảm duy trì hoạt động liên tục của Hệ thống và nâng cấp trước khi Hệ thống bị quá tải.
6.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cán bộ làm công tác lao động xã hội tại cấp huyện, cấp xã trong việc thu thập, cập nhật đối tượng thụ hưởng vào cơ sở dữ liệu theo quy định; thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu với Hệ thống để giải quyết chính sách cho đối tượng theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội.
- Phối hợp triển khai tích hợp với phần mềm Dịch vụ công trực tuyến của Tỉnh/Thành phố.
6.4. UBND các Tỉnh/Thành phố, Sở TTTT
- Quản lý Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến tập trung của Tỉnh/Thành phố cần phối hợp triển khai tích hợp với Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức chỉ cần thao tác trên 1 Hệ thống để thực hiện nghiệp vụ. Cụ thể cần:
+ Tuân thủ theo đúng danh mục TTHC Quốc gia đã ban hành
+ Thực hiện tích hợp xác thực định danh dùng chung SSO với Hệ thống dịch vụ công của Tỉnh/Thành phố. Đảm bảo một tài khoản đã thực hiện đăng nhập vào Hệ thống Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến sẽ không cần đăng nhập lại khi sử dụng Hệ thống dịch vụ công của Tỉnh/Thành phố và ngược lại.
+ Tuân thủ tiêu chuẩn kết nối và chia sẻ số liệu về BTXH với Hệ thống Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cổng dịch vụ công Quốc gia
+ Đảm bảo tích hợp cả 2 chiều gửi và nhận dữ liệu, thông tin hồ sơ, trạng thái xử lý, kết quả xử lý và quyết định phê duyệt hồ sơ với Hệ thống Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến (chi tiết theo tài liệu đặc tả API đi kèm).
Last updated